Hệ tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang cùng niệu đạo. Mỗi cơ quan sẽ phụ trách những chức năng riêng, phối hợp với nhau để đảm bảo các hoạt động của cơ thể diễn ra bình thường. Và trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin tổng quan về niệu quản - Bộ phận quan trọng trong hệ tiết niệu. Hãy dành ra ít phút để theo dõi nhé, ắt hẳn bạn sẽ biết thêm nhiều kiến thức hữu ích đấy!
Niệu quản là gì? Nằm ở đâu trên cơ thể?
Niệu quản là cơ quan hình ống được cấu tạo bằng cơ trơn, thực hiện chức năng co bóp và vận chuyển nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Chiều dài của nó sẽ thay đổi theo chiều cao cơ thể, giới tính, vị trí của thận và bàng quang. Niệu quản ở người trưởng thành thường có chiều dài từ 25 - 30cm, đường kính ngoài khoảng 4 - 5mm, đường kính trong khoảng 2 - 3mm.
Cơ quan niệu quản bắt đầu từ chỗ nối với thận ở bể thận ngang mức mỏm ngang cột sống L2-L3 – Nơi nước tiểu được lọc từ thận tụ lại. Đầu trên liên tiếp với bể thận còn đầu dưới thì cắm vào thành sau bàng quang.
Khám phá cấu tạo của niệu quản
Cơ quan này bao gồm 3 lớp từ trong ra ngoài. Lớp trong cùng là lớp niêm mạc, lớp thứ 2 là lớp cơ gồm 2 tầng cơ (ở ngoài là lớp cơ dọc, ở trong là tầng cơ vòng) còn lớp thứ 3 là lớp áo ngoài.
Đường kính của niệu quản không đều từ trên xuống dưới mà sẽ có 3 vị trí hẹp. Vị trí thứ nhất ở đoạn nối bể thận & niệu quản, vị trí thứ 2 ở nơi niệu quản bắt chéo với động mạch chậu và vị trí thứ 3 là đoạn trong thành bàng quang.
Ngoài ra, niệu quản cũng có thể xuất hiện một số biến thể giải phẫu như:
- Niệu quản nhân đôi (thận kép): Là biến thể giải phẫu phổ biến nhất với 2 niệu quản cùng xuất phát từ 1 quả thận.
- Niệu quản lạc chỗ: Cơ quan không kết nối với bàng quang hoặc kết nối không đúng vị trí. Điều này dễ phát sinh tình trạng nước tiểu chảy vào niệu đạo, âm đạo hoặc tuyến tiền liệt, gây tiểu không tự chủ.
- U niệu quản: Là dị tật bẩm sinh mà khối u phát triển từ trong lòng niệu quản, kích thước to dần làm hẹp lòng niệu quản gây ra hiện tượng nước tiểu lưu thông khó khăn, làm giãn đoạn niệu quản trên chỗ hẹp, giãn đài bể thận, lâu ngày tình trạng giãn càng lớn sẽ gây ứ nước, ứ mủ thận, suy thận.
Niệu quản có vai trò gì?
Chức năng chủ yếu của niệu quản là tạo ra các cơn co bóp đẩy nước tiểu ra khỏi thận rồi đi vào bàng quang. Bộ phận này hoạt động liên tục đảm bảo quá trình bài tiết diễn ra ổn định. Nếu chẳng may niệu quản bị tổn thương hoặc tắc nghẽn, cơ thể sẽ không thể loại trừ các chất thải, dẫn đến sự tích tụ độc tố có hại.
4 bệnh lý thường gặp tại niệu quản
Bệnh lý niệu quản có thể xảy ra do bẩm sinh, nhiễm trùng hoặc chấn thương. Điều này khiến dòng chảy của nước tiểu từ thận đến bàng quang bị mất ổn định. Trong nhiều trường hợp, chất thải ứ đọng trong thận gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Hẹp niệu quản
Người bị hẹp niệu quản sẽ bị tắc nghẽn một phần hoặc cả hai ống dẫn nước tiểu từ thận tới bàng quang. Đây là căn bệnh khá phổ biến, dễ nhận biết và điều trị, phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao. Trong trường hợp không được điều trị kịp thời, các triệu chứng sẽ chuyển biến nghiêm trọng hơn và gây ra những cơn đau dữ dội, làm mất chức năng thận, nhiễm trùng huyết…
Một số triệu chứng điển hình của bệnh là:
- Xuất hiện các cơn đau thắt lưng, đau quặn thận
- Tiểu ra máu, tiểu ít, tiểu đục, rối loạn tiểu tiện
- Suy thận
- Sốt cao
Cách điều trị hẹp niệu quản sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây tắc nghẽn cũng như mức độ tắc nghẽn ở người bệnh. Bác sĩ có thể chỉ định nội soi niệu quản & nong rộng đoạn bị hẹp, đặt ống xông JJ, mổ nội soi tạo hình niệu quản, lấy sỏi, cắt u…
Sỏi niệu quản
Đây là bệnh lý về đường tiết niệu khi sỏi được hình thành ở thận, di chuyển xuống niệu quản rồi dừng lại ở các vị trí hẹp tự nhiên của cơ quan này. Sỏi kích thước nhỏ có thể đi qua niệu quản còn sỏi quá lớn thì bị mắc kẹt lại làm tắc nghẽn con đường vận chuyển nước tiểu.
Khi đó, người bệnh có thể nhận thấy những triệu chứng lâm sàng như:
- Tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu ra máu
- Nước tiểu đục, có mủ
- Suy thận mãn tính
- Đau mỏi lưng, đặc biệt là khi làm việc nặng
- Đau quặn thận
- Sốt và ớn lạnh
Phương pháp điều trị sẽ được xác định dựa trên các yếu tố liên quan như kích thước sỏi, mức độ đau, mức độ tắc nghẽn và chức năng thận, tình trạng nhiễm khuẩn. Tùy từng tình trạng mà bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa, nội soi tán sỏi, tán sỏi qua da, phẫu thuật nội soi, mổ mở…
Sỏi bàng quang
Đây là tình trạng xảy ra khi tạp chất trong nước tiểu tập trung lại tạo thành các hạt nhỏ trong bàng quang. Sỏi bàng quang là bệnh lý phổ biến ở đường tiết niệu, nó chiếm tỷ lệ 1/3 số ca sỏi đường tiết niệu. Bệnh này nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như rối loạn chức năng bàng quang mạn tính, nhiễm trùng đường tiểu hay ung thư bàng quang.
Sỏi bàng quang có thể gây ra những dấu hiệu sau:
- Đau bụng dưới
- Tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu buốt
- Tiểu khó, gián đoạn dòng nước tiểu
- Đau hoặc khó chịu trong dương vật (đối với nam giới)
- Tiểu ra máu, nước tiểu đậm màu
Muốn điều trị sỏi bàng quang triệt để thì phải xác định chính xác loại sỏi và kích thước của sỏi. Nếu sỏi trong bàng quang có kích thước nhỏ, người bệnh chỉ cần uống thật nhiều nước để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể. Trường hợp sỏi lớn bị kẹt và sỏi nhỏ dưới 6 mm có thể áp dụng nội soi lấy sỏi, tán sỏi nội soi, tán sỏi ngoài cơ thể. Nếu sỏi lớn hơn 25mm, bác sĩ sẽ phẫu thuật mở bàng quang để lấy sỏi.
Trào ngược bàng quang niệu quản (VUR)
Đây là tình trạng có nước tiểu từ bàng quang chảy ngược lên niệu quản (ống nối giữa thận & bàng quang). Bệnh thường được chẩn đoán ở đối tượng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và đôi khi người lớn cũng gặp phải. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh dễ gây nhiễm trùng đường tiết niệu và làm tổn thương thận nghiêm trọng.
Nếu nhận thấy các triệu chứng sau đây, hãy nghĩ ngay đến trào ngược bàng quang niệu quản:
- Có cảm giác nóng rát khi tiểu tiện, mót tiểu nhiều, tiểu gấp
- Có máu trong nước tiểu, nước tiểu có mùi nồng và có màu đục
- Đau bụng
Ở trẻ em, biểu hiện thường gặp là sốt không rõ nguyên nhân, chán ăn, tiêu chảy, cáu gắt, táo bón...
Trào ngược bàng quang niệu quản mức độ từ nhẹ đến trung bình thường tự khỏi trong vài tháng hoặc vài năm, quan trọng là phải giữ cho bệnh nhân khỏi bị nhiễm trùng. Trào ngược bàng quang niệu quản nặng kèm theo tăng áp lực trong bàng quang được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng cholinergic hoặc thực hiện phẫu thuật nội soi tiêm chất độn vào niệu quản, cấy ghép lại niệu quản…
*Lưu ý: Thông tin cung cấp trong bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hay điều trị y khoa. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các cơ sở y tế uy tín như Bệnh viện đa khoa Sài Gòn Bình Dương để được thăm khám trực tiếp.
Bệnh viện quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành không chỉ giỏi chuyên môn mà còn tận tâm với công việc. Họ tự tin làm chủ những kỹ thuật mới nhất, có khả năng phát hiện chính xác và điều trị hiệu quả các bệnh lý về niệu quản giúp hạn chế nguy cơ tái phát cũng như giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài viết tổng quan về niệu quản đến đây là kết thúc, mong rằng nó sẽ giúp ích bạn đọc trong việc tìm hiểu về cơ quan này. Đừng quên theo dõi website của chúng tôi để biết thêm những thông tin hữu ích về sức khỏe và các chương trình ưu đãi từ Bệnh viện Sài Gòn Bình Dương nhé!
BỆNH VIỆN ĐA KHOA SÀI GÒN BÌNH DƯƠNG
Địa chỉ: Số 39 Hồ Văn Cống, Khu phố 4, P. Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương
Điện thoại: 0866 906 105
Email: bvsaigonbinhduong@gmail.com
Website: bvsaigonbinhduong.vn